Sử dụng thuốc ngủ suốt thời gian dài mà không thể từ bỏ dù đã cố gắng là dấu hiệu cho thấy bạn có thể đã nghiện thuốc ngủ.
Thuốc ngủ có thể giúp bạn ngủ ngon hơn nhưng nếu sử dụng quá thường xuyên sẽ dẫn đến tình trạng phụ thuộc hoặc nghiện. Theo Health, điều này đặc biệt đúng với loại thuốc ngủ cũ là benzodiazepine, gồm những loại như Valium hay Xanax và thường được kê cho bệnh nhân mắc rối loạn lo âu. Các loại thuốc mới hơn như Ambien và Sonata dường như ít gây nghiện về mặt thể chất song lại gây nghiện về mặt tâm lý.
Theo bác sĩ Tae Woo Park, trợ lý giáo sư tâm thần học tại Đại học Y Boston, nghiện thể chất là khi cơ thể thích nghi với một loại thuốc và phản ứng lại nếu ngừng dùng còn nghiện tâm lý là khi bạn cho rằng mình không thể ngủ nếu thiếu thuốc.
Ảnh: RS. |
Để phát hiện mình có phụ thuộc vào thuốc ngủ hay không, đầu tiên, bạn hãy xem vào liều lượng dùng thuốc. Tăng dần liều lượng là dấu hiệu cổ điển của hầu hết các chứng nghiện. Theo thời gian, số thuốc bạn từng được kê mất hiệu quả và bạn cần nhiều hơn mới đạt được tác dụng mong muốn. Triệu chứng này thiên về mặt tâm lý hơn thể chất bởi bạn tự nghĩ rằng bản thân phải uống thêm thuốc mới ngủ được.
Tiếp đến, sử dụng thuốc ngủ suốt nhiều tháng hoặc nhiều năm và không thể từ bỏ dù đã cố gắng là dấu hiệu khác cho thấy bạn có thể đã nghiện thuốc. Dùng thuốc ngủ ở liều nhất định trong thời gian dài, đặc biệt là benzodiazepine, có thể dẫn đến triệu chứng cai, tương tự triệu chứng cai rượu: bạn bị đổ mồ hôi, tăng huyết áp và nhịp tim, run rẩy và lo hãi.
Một dấu hiệu khác của chứng nghiện thuốc ngủ là mất khả năng thực hiện các nghĩa vụ xã hội. “Bạn né tránh những gì mình thường làm vì muốn dùng thuốc. Cả công việc, học tập lẫn các mối quan hệ đều bị ảnh hưởng. Bạn dành nhiều thời gian hơn để sử dụng chất gây nghiện”, bác sĩ Park nói.
Nếu gặp những triệu chứng trên, bạn cần sự trợ giúp. Đầu tiên, đừng tự ý dừng thuốc mà hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để giảm dần liều lượng trong khoảng thời gian từ hai đến bốn tháng. Điều này sẽ giúp hạn chế các triệu chứng cai. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể đưa ra các liệu pháp giúp bạn ngủ mà không cần thuốc.
Lý tưởng nhất, bạn nên ngủ ít nhất bảy tiếng mỗi đêm. Để ngủ tốt hơn, hãy đặt ra giờ đi ngủ và thức dậy cố định, chăm chỉ tập thể dục (không tập ngay trước khi lên giường), hạn chế sử dụng thiết bị điện tử vào ban đêm và tránh uống cafe.
Ngoài ra, đừng lo lắng nếu đôi khi bạn không ngủ được. Nhiều người vội vàng sử dụng thuốc ngủ chỉ sau một đêm ngủ không ngon song điều này không cần thiết. “Nếu ngủ bốn tiếng một đêm, bạn vẫn có thể làm việc vào ngày hôm sau. Có sự khác biệt giữa thiếu ngủ một đêm và thiếu ngủ cả tuần”, bác sĩ Gregory Carter, trợ lý giáo sư thần kinh học tại Trung tâm Y tế UT Southwestern khuyến cáo.
Nguồn: VNEXPRESS.NET