Ứng dụng công nghệ hướng đích điều trị viêm loét, trào ngược dạ dày

Thứ trưởng bộ KHCN Trần Văn Tùng, PGS.TS Phạm Hữu Lý và các nhà khoa học tại hội thảo

Công nghệ hướng đích giúp Curcumin gắn kết có chọn lọc với tế bào viêm loét dạ dày, không gây hại cho tế bào khỏe mạnh, hỗ trợ điều trị bệnh.

Các nhà khoa học tại phòng Thí nghiệm trọng điểm Quốc gia Công nghệ Enzym và Protein (Klept) tại Đại học Quốc gia Hà Nội, đã tiến hành cuộc nghiên cứu Curcumin theo công nghệ hướng đích với tế bào viêm loét dạ dày. Kết quả cho thấy Curcumin hướng đích tập trung tấn công tế bào viêm gấp 70 lần thông thường. Nghiên cứu vừa được trình bày tại hội thảo “Báo cáo tính an toàn và hiệu quả của công nghệ hướng đích trong bệnh viêm loét dạ dày, trào ngược” do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.

Thứ trưởng bộ KHCN Trần Văn Tùng, PGS.TS Phạm Hữu Lý và các nhà khoa học tại hội thảo

Tiến sĩ Lê Thị Thu Hường, Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Hữu Lý và các nhà khoa học cùng thảo luận tại hội thảo.

Theo Tiến sĩ Lê Thị Thu Hường, Trưởng nhóm nghiên cứu thiết kế và phát triển thuốc mới VSL, Giảng viên Khoa Y Dược – Đại học Quốc gia Hà Nội, tinh chất nghệ vàng Curcumin là hoạt chất chiết xuất từ nghệ vàng, có nhiều tác dụng như hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng, viêm khớp, viêm gan, ung thư, làm đẹp da, phục hồi sức khỏe phụ nữ sau sinh… Tuy nhiên, Curcumin lại có nhược điểm như độ tan kém (3.12mg/l ~ 0.0003%) làm cho sinh khả dụng thấp (gần như không hấp thu); không ổn định ở pH ruột, chuyển hóa và thải trừ nhanh, phân bố hạn chế tại mô.

Tiến sĩ Thu Hường cho biết, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ hướng đích vào Curcumin giúp giải quyết hai vấn đề là sinh khả dụng và độ đặc hiệu trên bệnh lý viêm loét dạ dày. Công nghệ hướng đích giúp gắn kết các hoạt chất Curcumin có chọn lọc với các tế bào bệnh nhưng không gây hại cho các tế bào khỏe mạnh. Curcumin hướng đích có khả năng tập trung tấn công tế bào viêm gấp 70 lần thông thường.

Tiến sĩ Lê Thị Thu Hường chia sẻ kết quả đánh giá dược tính, sinh khả dụng và đặc tính của Curcumin.

Nghiên cứu cũng chỉ ra, axit folic trong Curcumin hướng đích có tác dụng dẫn đường, không có tác dụng dược lý nên không gây hại cho cơ thể. Do axit folic được liên kết với polymer trong vật liệu dẫn đường và không có dược tính. Khi tiến hành đo hàm lượng axit folic trong máu theo thời gian trên các thí nghiệm tiền lâm sàng cũng không phát hiện.

Theo Phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Hữu Lý, nguyên Phó chủ tịch hội đồng khoa học, Viện Hàn lâm Khoa học – Công nghệ Việt Nam, Curcumin hướng đích có khả năng hướng các tế bào viêm loét dạ dày theo hai cơ chế chủ động và bị động. Ở cơ chế bị động, các phân tử Nano Curcumin với kích thước siêu nhỏ (30-100nm) sẽ dễ dàng thâm nhập vào mô của tổ chức. Với cơ chế hướng đích chủ động, khi Curcumin được gắn axit folic với hàm lượng vừa đủ giúp các phân tử Curcumin đi tới các vị trí viêm loét dạ dày mà không bị phân tán đến nơi khác. Axit folic được gắn trên vật liệu polymer cao phân tử bằng các liên kết hóa học bền, không bị phân hủy và giải phóng. Sau khi vào cơ thể, axit folic được đào thải ra bên ngoài và không có dược tính.

Kim Uyên

Nguồn: https://vnexpress.net/suc-khoe/ung-dung-cong-nghe-huong-dich-dieu-tri-viem-loet-trao-nguoc-da-day-3934101.html